VỤ HÉT GIÁ ĐẤT 30 TỶ/M2 CÓ THỂ XỬ LÝ HÌNH SỰ KHÔNG?

Theo luật sư, pháp luật cần bổ sung chế tài cụ thể để hạn chế tình trạng bỏ cọc, đầu cơ trục lợi, mua đi bán lại tài sản nhằm thổi giá, lũng đoạn thị trường.

Vừa qua, công an Hà Nội vừa tạm giữ hình sự 5 người liên quan vụ trả giá 30 tỷ đồng/m2 đất ở huyện Sóc Sơn để điều tra về hành vi vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản.

5 đối tượng trong vụ hét giá 30 tỷ đồng/m2 đất tại Sóc Sơn bị tạm giữ để điều tra.

5 đối tượng trong vụ hét giá 30 tỷ đồng/m2 đất tại Sóc Sơn bị tạm giữ để điều tra.

Trước đó, tháng 11/2024, Phạm Ngọc Tuấn (SN 1991, ở Đông Anh) biết được thông tin về cuộc đấu giá quyền sử dụng đất ở tại dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật chỉnh trang, phát triển khu dân cư nông thôn (thôn Đông Lai, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn) nên đã nhờ Ngô Văn Dương (SN 1994, ở Đông Anh) mua hồ sơ đấu giá.

Để chắc chắn trúng đấu giá được các lô đất như ý, Tuấn thỏa thuận, bàn bạc với một số người về việc cùng tham gia đấu giá và bàn bạc thống nhất sẽ thực hiện việc nâng giá tại buổi đấu giá. Phạm Ngọc Tuấn đưa ra mức giá trên 30 tỷ/m2 (cao gấp khoảng 12.000 lần mức giá khởi điểm)… dẫn đến việc 36 lô đất đấu giá không thành công.

Hiện nay, tình trạng người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá cố tình nâng giá, bỏ cọc sau khi trúng đấu giá đang diễn ra ngày một nhiều, gây bức xúc dư luận xã hội, khiến nhiều cuộc đấu giá bị hủy, tạm hoãn.

Đáng chú ý là với những trường hợp người tham gia đấu giá trả giá cao xong rồi mua đi bán lại cho người khác với mức giá cao hơn giá trúng đấu giá để thu về số tiền lớn. Đây thường được coi là hành vi trục lợi, lợi dụng hoạt động đấu giá để kiếm lời.

Điều 23 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã, về hành vi vi phạm quy định của người tham gia đấu giá, người có tài sản đấu giá và người khác có liên quan đến hoạt động đấu giá tài sản cũng chưa có quy định nào về chế tài xử phạt đối với hành vi mua đi bán lại để đầu cơ, trục lợi này.

“Giả sử cơ quan chức năng xác định có hành vi thông đồng, móc nối đề dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá hoặc cản trở hoạt động đấu giá tài sản, gây rối, mất trật tự tại cuộc đấu giá thì tùy vào tính chất và mức độ của hành vi mà chủ thể vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự và bồi thường thiệt hại (nếu có)” – Luật sư Bình cho biết.

Căn cứ điểm b khoản 1, khoản 2, khoản 5 Điều 23 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP của Chính phủ, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi cản trở hoạt động đấu giá tài sản, gây rối, mất trật tự tại cuộc đấu giá; phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi thông đồng dìm giá hoặc nâng giá trong hoạt động đấu giá tài sản mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Đối với tổ chức vi phạm thì mức phạt tiền bằng 02 lần cá nhân vi phạm.

Đồng thời, biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng là hủy kết quả đấu giả tài sản và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Nếu hành vi trên có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể xử lý theo Điều 218 hoặc Điều 318 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, cụ thể:

Căn cứ Điều 218 của Bộ luật này quy định về tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản, tùy vào số lợi bất chính thu được mà người phạm tội có thể chịu mức phạt thấp nhất là phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến cao nhất là 05 năm tù giam. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Căn cứ Điều 318 của Bộ luật này quy định về tội gây rối trật tự công cộng, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến cao nhất là 07 năm tù giam.

Cần có thêm chế tài cụ thể để răn đe

Việc cố tình nâng giá cao, bỏ cọc nhằm phá hoại buổi đấu giá thì theo khoản 5 Điều 9 Luật Đấu giả tài sản năm 2016, sửa đổi bổ sung năm 2023, đây có thể được xác định là hành vi cản trở hoạt động đấu giá tài sản; gây rối, mất trật tự tại cuộc đấu giá hoặc thông đồng, móc nối để dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá và đều là hành vi bị nghiêm cấm.

Theo chuyên gia Bất động sản Trương Mạnh Huỳnh – Hiệp hội môi giới Bất dộng sản Hà Nội, các địa phương cần phải áp dụng chặt chẽ các điều khoản được quy định trong Luật Đất đai 2024. Từ đó điều chỉnh, cập nhật bảng giá đất theo mức giá thị trường ở từng khu vực, căn cứ vào đó để đưa ra mức giá khởi điểm phù hợp phục vụ công tác đấu giá quyền sử dụng đất. Khi giá đất phản ánh đúng với giá thị trường, thì người có nhu cầu thực sự có cơ hội tiếp cận, đưa đất vào sử dụng nhằm phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an sinh xã hội và loại bỏ được các trường hợp đầu cơ, lợi dụng hoạt động đấu giá đất để thu lợi bất chính.

Ngoài ra, Nhà nước cần xem xét bổ sung thêm quy định về một số hành vi vi phạm cũng như chế tài xử phạt có liên quan đến hoạt động mua bán tài sản sau khi trúng đấu giá. Từ đó hạn chế được tình trạng bỏ cọc, đầu cơ trục lợi, mua đi bán lại tài sản nhằm thổi giá, lũng đoạn thị trường.

 

Leave Comments

0974 833 164
0974833164