Theo khoản 8 Điều 3 Luật Đầu tư 2020 thì: “Đầu tư kinh doanh là việc nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư để thực hiện hoạt động kinh doanh”. Hoạt động đầu tư sẽ bao gồm nhưng không giới hạn ở việc góp vốn thực hiện dự án đầu tư, góp vốn vào doanh nghiệp, đầu tư sản xuất,… Trong bài viết này, VNSI sẽ thông tin đến quý khách các lưu ý về rút vốn đầu tư.
Những vấn đề cần lưu ý về rút vốn đầu tư
Theo định nghĩa đưa ra, việc rút vốn có thể được hiểu là các cá nhân, tổ chức muốn thu hồi lại số tiền mình đã bỏ ra trước đó . Vậy việc rút vốn dễ hay khó thực hiện? Bài viết này chỉ đề cập đến các điều kiện và phương thức rút vốn đầu tư (hay còn gọi là vốn góp) đối với các loại hình doanh nghiệp và rút vốn theo hợp đồng hợp tác đầu tư.
Điều kiện cần lưu ý khi rút vốn là gì?
Các hình thức rút vốn đầu tư
- Rút vốn đầu tư ra khỏi các loại hình doanh nghiệp
- Rút vốn đầu tư theo quy định riêng của hình thức đầu tư mà nhà đầu tư lựa chọn
- Rút vốn đầu tư khi thời hạn đầu tư đã hết
- Rút vốn đầu tư theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền
Các hình thức và điều kiện rút vốn đối với Công ty TNHH hai thành viên trở lên
Theo quy định tại Điều 50 Luật Doanh nghiệp 2020, thành viên của Công ty TNHH hai thành viên không được rút vốn dưới bất kì hình thức nào, trừ trường hợp yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp và chuyển nhượng vốn góp của mình cho người khác và một số trường hợp đặc biệt.
Yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp (Điều 51 Luật Doanh nghiệp 2020)
Thành viên có quyền yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp của mình nếu thành viên đó đã bỏ phiếu không tán thành đối với nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên về vấn đề sau đây:
- Sửa đổi, bổ sung các nội dung trong Điều lệ công ty liên quan đến quyền và nghĩa vụ của thành viên, Hội đồng thành viên;
- Tổ chức lại công ty;
- Trường hợp khác theo quy định tại Điều lệ công ty.
Yêu cầu mua lại phần vốn góp phải bằng văn bản và được gửi đến công ty trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thông qua nghị quyết, quyết định quy định về các vấn đề đã đề cập ở trên.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của thành viên thì công ty phải mua lại phần vốn góp của thành viên đó theo giá thị trường hoặc giá được xác định theo nguyên tắc quy định tại Điều lệ công ty, trừ trường hợp hai bên thỏa thuận được về giá. Việc thanh toán chỉ được thực hiện nếu sau khi thanh toán đủ phần vốn góp được mua lại, công ty vẫn thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác.
Trường hợp công ty không thanh toán được phần vốn góp được yêu cầu mua lại thì thành viên đó có quyền tự do chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho thành viên khác hoặc người không phải là thành viên công ty.
Chuyển nhượng phần vốn góp
Trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 51, khoản 6 và khoản 7 Điều 53 của Luật Doanh nghiệp 2020, thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có quyền chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình cho người khác theo quy định sau đây:
- Chào bán phần vốn góp đó cho các thành viên còn lại theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong công ty với cùng điều kiện chào bán;
- Chuyển nhượng với cùng điều kiện chào bán đối với các thành viên còn lại cho người không phải là thành viên nếu các thành viên còn lại của công ty không mua hoặc không mua hết trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày chào bán.
Công ty hoàn trả vốn góp cho thành viên
Công ty hoàn trả một phần vốn góp cho thành viên theo tỷ lệ phần vốn góp của họ trong vốn điều lệ của công ty nếu đã hoạt động kinh doanh liên tục từ 02 năm trở lên kể từ ngày đăng ký thành lập doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho thành viên.
Công ty thực hiện hoàn trả vốn cho thành viên.
Các hình thức và điều kiện rút vốn đối với Công ty Cổ phần
Các cá nhân, tổ chức có tư cách cổ đông khi thanh toán đủ cổ phần đăng ký mua khi thành lập doanh nghiệp hoặc nhận chuyển nhượng từ cổ đông khác và được ghi nhận tại sổ đăng ký cổ đông của công ty.
Điều kiện cần lưu ý khi rút vốn ở công ty cổ phần.
Theo quy định tại Điều 119 Luật Doanh nghiệp 2020, các cổ đông không được rút vốn đã góp bằng cổ phần phổ thông ra khỏi công ty dưới mọi hình thức. Các cổ đông chỉ có thể rút vốn đầu tư của mình trong công ty cổ phần bằng các hình thức sau:
Công ty hoàn trả một phần vốn góp cho cổ đông theo tỷ lệ sở hữu cổ phần theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông (khoản 5 Điều 112 Luật Doanh nghiệp 2020)
Theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông, công ty hoàn trả một phần vốn góp cho cổ đông theo tỷ lệ sở hữu cổ phần của họ trong công ty nếu công ty đã hoạt động kinh doanh liên tục từ 02 năm trở lên kể từ ngày đăng ký thành lập doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho cổ đông
Cổ đông chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác (trừ trường hợp khoản 3 Điều 120 Luật Doanh nghiệp 2020)
Việc chuyển nhượng được thực hiện bằng hợp đồng hoặc giao dịch trên thị trường chứng khoán. Trường hợp chuyển nhượng bằng hợp đồng thì giấy tờ chuyển nhượng phải được bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng hoặc người đại diện theo ủy quyền của họ ký. Trường hợp giao dịch trên thị trường chứng khoán thì trình tự, thủ tục chuyển nhượng được thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán (khoản 2 Điều 127)
Cổ đông yêu cầu công ty mua lại cổ phần (Điều 132 Luật Doanh nghiệp 2020)
Cổ đông đã biểu quyết không thông qua nghị quyết về việc tổ chức lại công ty hoặc thay đổi quyền, nghĩa vụ của cổ đông quy định tại Điều lệ công ty có quyền yêu cầu công ty mua lại cổ phần của mình.
Yêu cầu phải bằng văn bản, trong đó nêu rõ tên, địa chỉ của cổ đông, số lượng cổ phần từng loại, giá dự định bán, lý do yêu cầu công ty mua lại. Yêu cầu phải được gửi đến công ty trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày Đại hội đồng cổ đông thông qua nghị quyết về các vấn đề trên.
Công ty phải mua lại cổ phần theo yêu cầu của cổ đông trong trường hợp trên với giá thị trường hoặc giá được tính theo nguyên tắc quy định tại Điều lệ công ty trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu. Trường hợp không thỏa thuận được về giá thì các bên có thể yêu cầu một tổ chức thẩm định giá định giá. Công ty giới thiệu ít nhất 03 tổ chức thẩm định giá để cổ đông lựa chọn và lựa chọn đó là quyết định cuối cùng.
Các hình thức và điều kiện rút vốn đối với Công ty Hợp danh
Trong công ty hợp danh, bên cạnh các thành viên hợp danh thì có thể có thêm các thành viên góp vốn.
Căn cứ theo Điều 185 Luật Doanh nghiệp 2020, thành viên hợp danh có quyền rút vốn ra khỏi công ty. Thành viên hợp danh có quyền rút vốn khỏi công ty nếu được Hội đồng thành viên chấp thuận. Trường hợp này, thành viên muốn rút vốn khỏi công ty phải thông báo bằng văn bản yêu cầu rút vốn chậm nhất là 06 tháng trước ngày rút vốn; chỉ được rút vốn vào thời điểm kết thúc năm tài chính và báo cáo tài chính của năm tài chính đó đã được thông qua.
Căn cứ theo khoản 1 Điều 187 Luật Doanh nghiệp 2020, thành viên góp vốn có quyền chuyển nhượng phần vốn góp của mình tại công ty cho người khác. Hiện nay, luật doanh nghiệp không giới hạn hoạt động chuyển nhượng này như đối với thành viên hợp danh. Thành viên góp vốn có thể chuyển nhượng cho bất kì người nào mà không cần sự cho phép của công ty. Do đó, nếu thành viên góp vốn muốn rút vốn thì chuyển nhượng cho người khác và phải lập hợp đồng chuyển nhượng.
Các vấn đề thường gặp khi rút vốn đầu tư
Rút vốn có phải nộp thuế TNCN không?
Về vấn đề thuế TNCN, khi rút vốn bằng hình thức chuyển nhượng phần vốn góp, nếu phát sinh lợi nhuận thì người chuyển nhượng phải đóng thuế TNCN.
Theo Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định:
“4. Thu nhập từ chuyển nhượng vốn
Thu nhập từ chuyển nhượng vốn là khoản thu nhập cá nhân nhận được bao gồm:
a) Thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp trong công ty trách nhiệm hữu hạn (bao gồm cả công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên), công ty hợp danh, hợp đồng hợp tác kinh doanh, hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức kinh tế, tổ chức khác.”
Rút vốn vào thời điểm nào? Có được rút vốn trong thời điểm công ty làm ăn thua lỗ không?
Như đã đề cập ở trên, tùy thuộc vào mỗi loại hình doanh nghiệp mà thời điểm rút vốn và phương thức rút vốn được quy định khác nhau.
Đối với loại hình Công ty TNHH hai thành viên trở lên và Công ty cổ phần, tại thời điểm công ty làm ăn thua lỗ nhưng cổ đông/thành viên muốn rút vốn thì chỉ có thể rút bằng hình thức chuyển nhượng phần vốn góp/cổ phần của mình cho người khác. Không thể rút vốn bằng hai hình thức còn lại bởi:
- Với hình thức yêu cầu công ty mua lại phần góp vốn/cổ phần thì phải thuộc một trong các trường hợp luật định hoặc điều lệ có quy định về các trường hợp được yêu cầu công ty mua lại phần góp vốn/cổ phần.
- Với hình thức hoàn trả phần vốn góp/cổ phần, chỉ thực hiện được khi Công ty bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho thành viên/cổ đông
Còn đối với Công ty hợp danh thì thành viên hợp danh chỉ được rút vốn khi được Hội đồng thành viên chấp thuận và chỉ được rút vốn vào thời điểm kết thúc năm tài chính và báo cáo tài chính của năm tài chính đó đã được thông qua. Do vậy, thành viên hợp danh không thể rút vốn tại bất kì thời điểm nào trong năm, đặc biệt là tại thời điểm công ty kinh doanh thua lỗ. Thành viên góp vốn thì ngược lại, có thể tự do chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho cá nhân khác tại bất kì thời điểm nào.
Trường hợp không góp vốn thành lập doanh nghiệp thì có được rút vốn theo hợp đồng hợp tác đầu tư không?
Trong trường hợp cá nhân, tổ chức không góp vốn thành lập doanh nghiệp nhưng góp vốn thông qua các Hợp đồng hợp tác đầu tư thì việc rút vốn đầu tư được thực hiện trong các trường hợp sau:
Theo Điều 510 Bộ luật dân sự 2015 thì thành viên được rút khỏi hợp đồng hợp tác đầu tư đã ký khi:
“Điều 510. Rút khỏi hợp đồng hợp tác
1. Thành viên có quyền rút khỏi hợp đồng hợp tác trong trường hợp sau đây:
a) Theo điều kiện đã thoả thuận trong hợp đồng hợp tác;
b) Có lý do chính đáng và được sự đồng ý của hơn một nửa tổng số thành viên hợp tác.
2. Thành viên rút khỏi hợp đồng hợp tác có quyền yêu cầu nhận lại tài sản đã đóng góp, được chia phần tài sản trong khối tài sản chung và phải thanh toán các nghĩa vụ theo thoả thuận. Trường hợp việc phân chia tài sản bằng hiện vật làm ảnh hưởng đến hoạt động hợp tác thì tài sản được tính giá trị thành tiền để chia.
Việc rút khỏi hợp đồng hợp tác không làm chấm dứt quyền, nghĩa vụ của người này được xác lập, thực hiện trước thời điểm rút khỏi hợp đồng hợp tác.
3. Việc rút khỏi hợp đồng hợp tác không thuộc trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều này thì thành viên rút khỏi hợp đồng được xác định là bên vi phạm hợp đồng và phải thực hiện trách nhiệm dân sự theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan.”
Nếu không thuộc trường hợp rút vốn đầu tư được đề cập trên, cá nhân, tổ chức có thể cân nhắc xem xét các điều kiện để được hủy hợp đồng theo quy định của Luật Thương mại hoặc Bộ luật dân sự hiện hành.
Trên đây là bài viết về rút vốn đầu tư. Trong trường hợp quý khách hàng cần hiểu rõ hơn về thủ tục này hoặc cần tư vấn về các vấn đề pháp lý khác, xin hãy liên hệ VNSI để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.