QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ ĐÁNH BẠC

A. Cơ sở pháp lý

1. Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 27 tháng 11 năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (sau đây gọi là Bộ luật Hình sự);

2. Nghị định số 144/2021/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 31 tháng 12 năm 2021 Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình (sau đây gọi là Nghị định 144/2021/NĐ-CP).

B. Nội dung tư vấn

I. Thế nào là đánh bạc?

Đánh bạc là hành vi tham gia vào trò chơi được tổ chức bất hợp pháp mà sự thắng (hoặc thua) kèm theo việc được (hoặc mất) lợi ích vật chất đáng kể (tiền, hiện vật). Đánh bạc trái phép là việc thực hiện hành vi đánh bạc dưới bất kỳ hình thức nào mà không được sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc thực hiện không đúng theo giấy phép được cấp.

Tiền có thể là tiền Việt Nam, ngoại tệ; hiện vật có thể là tài sản, như: ô tô, xe máy, trang sức, điện thoại,…Tiền hay hiện vật dùng để đánh bạc là những thứ có thể thu giữ được trực tiếp tại chiếu bạc, trong người đánh bạc hoặc nơi khác mà có đủ căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng để đánh bạc.

II. Các hình thức đánh bạc

Đánh bạc được tổ chức dưới đa dạng các hình thức từ trực tiếp tới trực tuyến. Ở dạng trực tiếp, người tham gia cá cược thông qua trò chơi đánh bài tây, bài ngũ sắc, đá gà, bầu cua, lô đề, cá độ bóng đá, đua ngựa, đua xe,… Ở dạng trực tuyến, người chơi tham gia các trò chơi dưới dạng các ứng dụng trên điện thoại hoặc trang web game online có đổi thưởng từ tiền ảo sang tiền thật và ngược lại.

Ngoài ra, đánh bạc ở casino cũng là một hình thức phổ biến. Tuy nhiên, casino là một loại hình kinh doanh có đăng ký. Pháp luật Việt Nam đang xây dựng hành lang pháp lý để công nhận loại hình kinh doanh này.

Do đó, hành vi đánh bạc chỉ được xem là vi phạm pháp luật khi tổ chức và tham gia trái phép.

III. Hành vi đánh bạc trái phép có bị phạt tiền không?

Hành vi đánh bạc trái phép sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính tùy vào hình thức, mức độ vi phạm như hình thức tham gia, loại hình cá cược, đối tượng là người tổ chức hay tham gia. Cụ thể, Điều 28 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định, khung phạt tiền thấp nhất là từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng, khung cao nhất là từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với các hành vi như:

  • Mua số lô, số đề;
  • Đánh bạc trái phép bằng các hình thức như xóc đĩa, tá lả, tổ tôm,… với mục đích được, thua bằng tài sản;

 

  • Nhận cầm đồ tại nơi tổ chức đánh bạc trái phép, bán số lô/số đề, che giấu, giúp sức,…;
  • Tổ chức đánh bạc trái phép dưới một số hình thức.

IV. Hành vi đánh bạc trái phép có bị phạt tù không?

Hành vi đánh bạc sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi có đủ yếu tố cấu thành Tội đánh bạc tại Điều 321 Bộ luật Hình sự. Cụ thể, tùy vào tính chất, mức độ của hành vi phạm tội như có tính chất chuyên nghiệp, tái phạm, giá trị hiện vật,… mà người thực hiện hành vi này có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù với khung thấp nhất là từ 06 tháng đến 03 năm, khung cao nhất là từ 03 năm đến 07 năm.

Ngoài ra, hình phạt bổ sung là có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

V. Giải đáp thắc mắc về đánh bạc

Liên quan đến vấn đề đánh bạc, có một số câu hỏi thường gặp và được NPLaw giải đáp như sau:

1. Đã bị phạt hành chính về hành vi đánh bạc trái phép mà tái phạm có bị phạt tù không?

Căn cứ theo quy định tại Điều 321 Bộ luật Hình sự về tội đánh bạc, hành vi cấu thành tội đánh bạc có ghi nhận là hành vi được thua bằng tiền dưới 5.000.000 đồng nhưng đã vi xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm. Quy định này chỉ đề cập đến việc hành vi đã bị xử phạt vi phạm hành chính, không ghi nhận về việc người bị xử phạt đã chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính chưa.

Các quy định hiện hành chưa có văn bản hướng dẫn về việc xác định, đánh giá xử lý hình sự hành vi của một người đã “đã bị xử phạt vi phạm hành chính … mà còn vi phạm”. Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 73 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 thì cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính; trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó. Trong trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt thì cơ quan có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Do đó, nếu cơ quan có thẩm quyền không thực hiện đúng quy trình về xử lý vi phạm hành chính thì áp dụng quy định về thời hiệu thi hành quyết định quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 ghi nhận hướng dẫn như sau: cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt cảnh cáo hoặc 01 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính khác hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà không tái phạm thì được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính.

Trong đó, thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 74 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 là 01 năm, kể từ ngày ra quyết định. Do đó, đối với trường hợp nếu cơ quan có thẩm quyền không thực hiện đúng quy trình xử lý vi phạm hành chính thì trường hợp người vi phạm sau 01 năm chưa thi hành quyết định mà không tái phạm thì được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính.

Theo những căn cứ nêu trên, việc sau khi đã bị xử phạt hành chính mà còn tiếp tục đánh bạc trái phép thì có bị phạt tù hay không tùy thuộc vào thời gian tái phạm là bao lâu, nếu trong thời hạn theo quy định của pháp luật thì được xem là đáp ứng cấu thành tội phạm của tội Đánh bạc trái phép theo Điều 321 Bộ luật Hình sự hiện hành.

2. Người tổ chức đánh bạc bị xử lý như thế nào?

Người tổ chức đánh bạc sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt là từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng tùy vào hình thức đánh bạc mà người đó tổ chức theo quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 28 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc cũng được quy định tại Điều 322 Bộ luật Hình sự như sau:

Người nào tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trái phép có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc bị phạt tù tùy mức độ của tội phạm bao gồm 02 khung là từ 01 năm đến 05 năm hoặc từ 05 năm đến 10 năm.

Trên đây là nội dung tư vấn của VNSI về hành vi đánh bạc. Quý Khách hàng cần nắm rõ quy định của pháp luật. Đôi khi chỉ một phút giây chơi bạc có ăn thua nhân dịp họp mặt cũng là đang thực hiện hành vi đánh bạc trái phép. Hãy để những ngày xuân vui hơn với những trò chơi hoặc những buổi liên hoan lành mạnh. Trong trường hợp có bất kỳ thắc mắc nào về vấn đề trên hoặc các vấn đề pháp lý khác vui lòng liên hệ VNSI để được hướng dẫn giải quyết. Xin chân thành cảm ơn Quý Khách hàng.

Leave Comments

0974 833 164
0974833164