Ngày 01/01/2021, Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019 (Bộ luật Lao động 2019) có hiệu lực thi hành, thay thế cho Bộ luật lao động số 10/2012/QH13 có quy định nhiều điểm mới và nổi bật, trong đó các nội dung về chỉnh sửa, bổ sung về quy định liên quan đến Hợp đồng lao động được đa số người sử dụng lao động và người lao động quan tâm. Sau đây, VNSI sẽ nêu một số điểm trong hợp đồng lao động trong năm 2021 của Bộ luật lao động để quý Khách hàng cùng hiểu rõ hơn.
I. Những điểm mới của Hợp đồng lao động
Nhận diện quan hệ lao động: Bộ luật Lao động 2019 đã bổ sung các dấu hiệu nhận biết, đó cũng chính là từ khóa “Hợp đồng lao động 2021” hiện đang được rất nhiều người lao động cũng như doanh nghiệp quan tâm:
- Có nội dung về việc làm;
- Có nội dung về trả công, tiền lương;
- Có nội dung về quản lý, điều hành, giám sát của một bên.
Vì thế những doanh nghiệp đã sử dụng các văn bản như thỏa thuận việc làm hay tương tự để tránh việc xác lập quan hệ lao động thì cần phải xem xét lại việc hoạch định chính sách nhân sự cho phù hợp.
1. Hình thức hợp đồng
Bài viết này sẽ giúp Quý khách hiểu rõ thêm về những điểm mới cập nhật từ khóa “Hợp đồng lao động 2021” đang được nhiều người quan tâm. Đầu tiên, Bộ luật Lao động 2019 đã bổ sung thêm hình thức Hợp đồng lao động được thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu, Hợp đồng này có giá trị tương tự như Hợp đồng lao động bằng văn bản. Như vậy, doanh nghiệp có thể cân nhắc quy định này để có thể đơn giản hóa hồ sơ của người lao động, giảm tải việc phải lưu trữ quá nhiều hồ sơ cũng như thuận tiện tìm kiếm trong việc tra cứu thông tin người lao động
Những hành vi sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng: Bộ luật Lao động 2019 đã bổ sung thêm hành vi không được thực hiện của người sử dụng lao động đó là “Buộc người lao động thực hiện hợp đồng lao động để trả nợ cho người sử dụng lao động”.
2. Loại hợp đồng
Bộ luật Lao động 2019 đã bãi bỏ loại Hợp đồng lao động theo mùa vụ được quy định trước đó trong Bộ luật Lao động 2012. Ngoài ra đối với Hợp đồng lao động xác định thời hạn thì cũng được bãi bỏ quy định về thời hạn tối thiểu 12 tháng mà chỉ còn giữ quy định về tối đa không quá 36 tháng. Do đó, các doanh nghiệp đặc thù thường xuyên sử dụng lao động ngắn ngày thì cần phải lưu ý điểm thay đổi này để lựa chọn loại Hợp đồng giao kết phù hợp.
3. Thời gian thử việc
Bộ luật Lao động 2019 bổ sung thêm quy định về thời gian thử việc đối với người quản lý doanh nghiệp. Điều này giúp doanh nghiệp có thời gian đánh giá để lựa chọn người quản lý phù hợp cho doanh nghiệp.
II. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động
Tại Bộ luật Lao động 2012 quy định trường hợp người lao động xác định thời hạn được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động phải đáp ứng được hai điều kiện:
- Có lý do theo quy định trong Bộ luật lao động;
- Đáp ứng thời gian báo trước 30 ngày.
Tuy nhiên, tại Bộ luật Lao động 2019 đã bãi bỏ quy định về điều kiện cần phải có lý do theo quy định mới được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà chỉ cần người lao động thông báo trước 30 ngày. Ngoài ra, người lao động còn có thể không thực hiện việc thông báo trước trong một số trường hợp được quy định tại Khoản 2 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019.
Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động: Bộ luật Lao động 2019 đã bổ sung thêm 03 trường hợp mà người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động tại các điểm đ,e,g Khoản 1 Điều 36 Bộ luật Lao động 2019. Đặc biệt, tại quy định “người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên”, người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động ngay lập tức mà không cần báo trước, không cần phải trải qua các bước xử lý kỷ luật lao động nữa (bởi theo quy định tại Bộ luật Lao động 2012 thì trường hợp này thuộc diện bị xử lý kỷ luật lao động sa thải).
Do đó sẽ giúp doanh nghiệp tránh các trường hợp sa thải không đúng quy trình khiến người lao động khởi kiện về hành vi sa thải dẫn tới ảnh hưởng tới danh tiếng cũng như quyền lợi của công ty bị ảnh hưởng.
Trách nhiệm khi chấm dứt hợp đồng lao động: Bộ luật Lao động 2019 quy định kéo dài thời hạn trách nhiệm thanh toán của các bên từ 07 ngày thành 14 ngày. Do đó doanh nghiệp có thêm thời gian để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng với người lao động.
III. Các loại Hợp đồng lao động
Căn cứ theo quy định tại Điều 20 Bộ luật Lao động 2019 thì có hai loại Hợp đồng lao động:
- Hợp đồng lao động không xác định thời hạn: Là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng;
- Hợp đồng lao động xác định thời hạn: Là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian không quá 36 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.”
Như vậy so với Bộ luật lao động 2012 thì không còn quy định về Hợp đồng thời vụ. Do đó, đối với lao động dưới 12 tháng thì doanh nghiệp sẽ tiến hành ký kết Hợp đồng xác định thời hạn.