1. Ngành, nghề và điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài theo Luật Đầu tư 2024?
Cho đến hiện nay, chưa có Luật Đầu tư 2024, nên các ngành, nghề và điều kiện tiếp cận thị trường với nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2024 được thực hiện theo quy định tại Luật Đầu tư 2020 (được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 03/2022/QH15).
Tại Điều 9 Luật Đầu tư 2020 ngành, nghề và điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài được quy định như sau:
(i) Nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước, trừ trường hợp quy định tại khoản (ii) Mục này.
(ii) Căn cứ luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, Chính phủ công bố danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm:
– Ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường;
– Ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện.
(iii) Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài bao gồm:
– Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế;
– Hình thức đầu tư;
– Phạm vi hoạt động đầu tư;
– Năng lực của nhà đầu tư; đối tác tham gia thực hiện hoạt động đầu tư;
– Điều kiện khác theo quy định tại luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
2. Bảo đảm quyền chuyển tài sản của nhà đầu tư nước ngoài ra nước ngoài
Căn cứ theo Điều 12 Luật Đầu tư 2020 quy định về bảo đảm quyền chuyển tài sản của nhà đầu tư nước ngoài ra nước ngoài như sau:
Sau khi thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước Việt Nam theo quy định của pháp luật, nhà đầu tư nước ngoài được chuyển ra nước ngoài các tài sản sau đây:
(i) Vốn đầu tư, các khoản thanh lý đầu tư;
(ii) Thu nhập từ hoạt động đầu tư kinh doanh;
(iii) Tiền và tài sản khác thuộc sở hữu hợp pháp của nhà đầu tư.
3. Giải quyết tranh chấp trong hoạt động đầu tư kinh doanh
Giải quyết tranh chấp trong hoạt động đầu tư kinh doanh được quy định tại Điều 14 Luật Đầu tư 2020 như sau:
(i) Tranh chấp liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam được giải quyết thông qua thương lượng, hòa giải. Trường hợp không thương lượng, hòa giải được thì tranh chấp được giải quyết tại Trọng tài hoặc Tòa án theo quy định tại các khoản (ii), (iii) và (iv) Mục này.
(ii) Tranh chấp giữa các nhà đầu tư trong nước, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài hoặc giữa nhà đầu tư trong nước, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài với cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam được giải quyết thông qua Trọng tài Việt Nam hoặc Tòa án Việt Nam, trừ trường hợp quy định tại khoản (iii) Mục này.
(iii) Tranh chấp giữa các nhà đầu tư trong đó có ít nhất một bên là nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 23 Luật Đầu tư 2020 được giải quyết thông qua một trong những cơ quan, tổ chức sau đây:
– Tòa án Việt Nam;
– Trọng tài Việt Nam;
– Trọng tài nước ngoài;
– Trọng tài quốc tế;
– Trọng tài do các bên tranh chấp thỏa thuận thành lập.
(iv) Tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài với cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam được giải quyết thông qua Trọng tài Việt Nam hoặc Tòa án Việt Nam, trừ trường hợp có thỏa thuận khác theo hợp đồng hoặc điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác