ĐÁNH NGƯỜI GÂY THƯƠNG TÍCH: KHI NÀO BỊ TRUY TỐ HÌNH SỰ?

Hành vi đánh người gây thương tích thường xảy ra trong cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, tùy vào mục đích, mức độ thương tích, hậu quả mà hành vi này có thể bị kết tội bởi các tội danh khác nhau và áp dụng các mức phạt khác nhau. Hãy cùng tìm hiểu qua nội dung sau đây.

I. Thực trạng hiện nay về tội đánh người gây thương tích

Việc chọn phương pháp bạo lực đánh nhau để giải quyết vấn đề, mâu thuẫn, tranh chấp không còn quá xa lạ.

Thực tiễn hiện nay, mỗi ngày xảy ra các vụ đánh người gây thương tích không phải là con số nhỏ, thường bắt đầu từ những mâu thuẫn rất nhỏ, tuy nhiên lại dẫn để hậu quả nghiêm trọng. Ngoài ra, còn do các tác động bên ngoài như chất kích thích, rượu bia,… Các vụ đánh nhau còn có thể kèm theo hung khí, công cụ nguy hiểm.

II. Đánh người gây thương tích được hiểu như thế nào?

Đánh người gây thương tích có thể hiểu là hành vi cố ý dùng vũ lực xâm phạm thân thể, gây tổn hại cho sức khỏe người khác.

Tuy nhiên, pháp luật hiện nay chưa có quy định cụ thể về hành vi đánh người gây thương tích hay thế nào là cố ý gây thương tích cho người khác.

III. Quy định pháp luật về hành vi đánh người gây thương tích

1. Mức phạt về hành vi đánh người gây thương tích

Tùy vào tình tiết của vụ án, việc đánh người gây thương tích có thể được kết tội với những tội danh khác nhau. Nhưng xét hành vi và hậu quả thì có thể thấy việc đánh người gây thương tích là một hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.

Mức phạt đối với tội danh này nếu tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% trở lên hoặc dưới 11% nhưng thuộc các trường hợp được quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt  tù từ 06 tháng đến 03 năm, nặng nhất  thì phạt  20 năm tù hoặc tù chung thân.

Bên cạnh đó, hành vi đánh người gây thương tích nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm quy định trật tự công cộng tại điểm a khoản 5 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP “Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng.”

2. Cơ quan nào có thẩm quyền để giải quyết?

Theo Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2021) thì hành vi đánh người gây thương tích tại Điều 134 Bộ luật Hình sự sẽ bị khởi tố khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.

Người bị hại hoặc người đại diện của bị hại viết đơn tố cáo và yêu cầu khởi tố hình sự đến cơ quan điều tra để thụ lý điều tra.

3. Đánh người gây thương tích có thể phạm tội gì?

Tùy vào tình tiết vụ án, mục đích, hậu quả, việc đánh người gây thương tích có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với những tội danh như sau:

– Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự.

– Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh quy định tại  Điều 135 Bộ luật Hình sự.

– Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội quy định tại  Điều 136 Bộ luật Hình sự.

– Tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ quy định tại Điều 137 Bộ luật hình sự.

4. Mẫu đơn tố cáo về hành vi đánh người gây thương tích

Việc tố cáo hành vi đánh người gây thương tích có thể hiểu là hành vi tố giác, tin báo về tội phạm. Theo đó, hiện nay, pháp luật Việt Nam không quy định cố định mẫu đơn tố giác tội phạm. Tuy nhiên, quý khách hàng có thể tham khảo mẫu đơn tố giác tội phạm sau đây:

>> Mẫu đơn tố giác tội phạm năm 2023 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

……….., ngày ….. tháng …. năm…..

 

ĐƠN TỐ GIÁC TỘI PHẠM

(Về hành vi……………………) (1)

 

                  Kính gửi: Cơ quan điều tra, Công an quận/huyện (2) ……………

 

Tôi tên là:…………………………………Sinh năm:………………………………

CMND số:……………………..do:………………..cấy ngày:………………………

Hộ khẩu thường trú:………………………………………………….………………

Hiện đang cư ngụ tại:…………………………………………………………………

Nay tôi làm đơn này kính mong quý cơ quan tiến hành điều tra làm rõ hành vi vi phạm của đối tượng:

Họ và tên:………………………..

Hiện đang cư ngụ tại:..………………………………………………………………

Đối tượng này đã có hành vi (3)………………………………………………………

Chứng cứ chứng minh (nếu có) (4):…………………….……………….……………

Từ vụ việc xảy ra nêu trên, tôi cho rằng cá nhân này đã có hành vi vi phạm pháp luật. Kính đề nghị quý cơ quan điều tra làm rõ hành vi trên để đảm bảo tình hình an ninh, xã hội trên địa bàn.

Tôi xin cam kết những gì tôi vừa trình bày là sự thật và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về những gì tôi vừa nêu.

Xin chân thành cảm ơn./.

                                                                                     Người làm đơn

                                                                                   (ký và ghi rõ họ tên)

Hướng dẫn viết đơn:

(1) Nêu rõ hành vi vi phạm, ví dụ: cướp giật tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản…

(2) Công an quận/huyện nơi cư trú của đối tượng vi phạm

(3) Trình bày rõ tại sao cho rằng đối tượng vi phạm pháp luật.

(4) Trình bày chứng cứ chứng minh nếu có.

*Hồ sơ tố giác tội phạm, bao gồm:

– Đơn tố giác tội phạm trình báo công an;

– CMND/CCCD/Hộ chiếu của bị hại (bản sao công chứng);

– Sổ hộ khẩu của bị hại (bản sao công chứng).

– Chứng cứ liên quan để chứng minh (hình ảnh, ghi âm, video,… có chứa nguồn thông tin của hành vi phạm tội).

IV. Giải đáp một số thắc mắc về đánh người gây thương tích

1. Đánh người gây thương tích phải bồi thường ra sao?

Căn cứ Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 quy định “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.”

Đồng thời, Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định trường hợp đánh người gây thương tích phải bồi thường khi xâm phạm sức khoẻ của người khác như sau:

– Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

– Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

– Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;

– Thiệt hại khác do luật quy định.

Như vậy, người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định nêu trên và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

2. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại được quy định như thế nào?

Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi đánh người gây thương tích được quy định tại Bộ luật dân sự 2015 như sau:

  • Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm (Điều 589).
  • Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm (Điều 590).
  • Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm (Điều 591).

Đồng thời, theo Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 quy định căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại “Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.”

3. Đánh người gây thương tích có bị tạm giam hay không?

Theo quy định tại Điều 119 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, hành vi đánh người gây thương tích có thể bị tạm giam nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

– Áp dụng đối với bị can, bị cáo đánh người gây thương tích gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng.

– Áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên 02 năm khi có căn cứ xác định người đó thuộc một trong các trường hợp:

+ Đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm;

+ Không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không xác định được lý lịch của bị can;

+ Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã hoặc có dấu hiệu bỏ trốn;

+ Tiếp tục phạm tội hoặc có dấu hiệu tiếp tục phạm tội;

+ Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này.

Đánh người gây thương tích có bị tạm giam hay không?

– Áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù đến 02 năm nếu họ tiếp tục phạm tội hoặc bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã.

– Đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, trừ các trường hợp tại khoản 4 Điều 119 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

Như vậy, tuỳ thuộc vào mức độ hành vi phạm tội cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ tiến hành thủ tục bắt tạm giam người phạm tội đánh người gây thương tích.

4. Gây thương tích dưới 11% có bị đi tù không?

Hành vi đánh người gây thương tích mặc dù tỷ lệ thương tật dưới 11% nhưng vẫn có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm nếu rơi vào một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự, bao gồm:

– Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;

– Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;

– Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

– Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;

– Có tổ chức;

– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

– Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

– Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;

– Có tính chất côn đồ;

– Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

V. Dịch vụ tư vấn và thực hiện liên quan đến đánh người gây thương tích

Hành vi đánh người gây thương tích trong cuộc sống hằng ngày không còn quá xa lạ. Tuy nhiên, để Quý Khách hàng biết cách giải quyết, xử lý phù hợp, nhằm bảo vệ lợi ích của bản thân và người xung quanh. Quý Khách hàng có thể liên hệ VNSI và đặt câu hỏi về các vấn đề liên quan để được giải đáp nhanh chóng và chi tiết nhất.

Leave Comments

0974 833 164
0974833164