Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, nhà nước ta khuyến khích các nhà đầu nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư vào Việt Nam nhằm khai thác, phát triển, mở rộng thị trường; tăng khả năng xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ, thu ngoại tệ, tiếp cận công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực quản lý và bổ sung nguồn lực phát triển kinh tế – xã hội đất nước. Vậy đối với các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có cần thực hiện đăng ký đầu tư hay không? Và trình tự, thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài được thực hiện như thế nào?
Bài viết dưới đây VNSI sẽ giới thiệu tới quý khách một số thông tin cần thiết trong quá trình thực hiện dự án đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và trình tự, thủ tục đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài.
I. Trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài
Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là văn bản bằng bản giấy hoặc bản điện tử ghi nhận thông tin đăng ký của nhà đầu tư về dự án đầu tư (Khoản 11 Điều 3 Luật Đầu tư 2020).
Căn cứ theo Điểm a, Khoản 1 Điều 37 Luật Đầu tư 2020 quy định về trường hợp phải thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư bao gồm: Dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài. Do vậy, việc thực hiện thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là thủ tục bắt buộc trước khi cá nhân hoặc tổ chức nước ngoài muốn thành lập doanh nghiệp có vốn nước ngoài tại Việt Nam.Trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài được thực hiện như sau:
Căn cứ Điều 35 Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định về Thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư như sau:
“1. Thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư và thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được thực hiện như sau:
a) Căn cứ Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư;
b) Đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của từ 02 Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trở lên, căn cứ đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ giao Sở Kế hoạch và Đầu tư của một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư, đặt hoặc dự kiến đặt văn phòng điều hành để thực hiện dự án đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
2. Đối với dự án đầu tư đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và nhà đầu tư đã trúng đấu giá, trúng thầu; dự án đầu tư thuộc diện chấp thuận nhà đầu tư theo quy định tại khoản 3 Điều 29 Luật Đầu tư và thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư nộp văn bản đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho cơ quan đăng ký đầu tư để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan đăng ký đầu tư nhận được văn bản đề nghị.
3. Đối với dự án đầu tư thuộc trường hợp Ban quản lý khu kinh tế chấp thuận nhà đầu tư, Ban quản lý khu kinh tế quyết định chấp thuận nhà đầu tư đồng thời với cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
4. Đối với dự án không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nếu có nhu cầu cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư nộp văn bản đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, bản sao hợp lệ Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và bản sao hợp lệ Quyết định chấp thuận nhà đầu tư (nếu có) cho cơ quan đăng ký đầu tư để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị.”
Căn cứ Điều 36 Nghị định 31/2021 NĐ-CP quy định về thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư như sau:
”1. Nhà đầu tư nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gồm những nội dung quy định tại khoản 1 Điều 33 của Luật Đầu tư cho cơ quan đăng ký đầu tư. Trường hợp dự án đầu tư thực hiện tại 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên, nhà đầu tư nộp Hồ sơ cho Sở Kế hoạch và Đầu tư của một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư, đặt hoặc dự kiến đặt văn phòng điều hành để đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án.
2. Đối với dự án đầu tư đã triển khai hoạt động, nhà đầu tư nộp hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này, trong đó đề xuất dự án đầu tư được thay bằng báo cáo tình hình thực hiện dự án đầu tư từ thời điểm triển khai đến thời điểm đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
3. Cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ khi dự án đáp ứng các điều kiện sau:
a) Không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định tại Điều 6 của Luật Đầu tư và điều ước quốc tế về đầu tư;
b) Có địa điểm thực hiện dự án đầu tư được xác định trên cơ sở bản sao hợp lệ giấy tờ về quyền sử dụng đất hoặc bản sao hợp lệ thỏa thuận thuê địa điểm hoặc văn bản, tài liệu khác xác định quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư;
c) Dự án đầu tư phù hợp với các quy hoạch theo quy định tại khoản 7 Điều 31 Nghị định này;
d) Đáp ứng điều kiện về suất đầu tư trên một diện tích đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương và được Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua (nếu có), số lượng lao động sử dụng (nếu có);
đ) Đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài”.
Như vậy, tùy vào từng trường hợp cụ thể mà việc thực hiện trình tự, thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đầu tư cũng có sự khác nhau. Do vậy, bạn cần xác định đúng trường hợp của mình để việc thực hiện thủ tục trên diễn ra nhanh chóng và hợp pháp.
II.Các hình thức đầu tư nước ngoài vào Việt Nam
Căn cứ theo Điều 21 Luật Đầu tư 2020 quy định về Hình thức đầu tư bao gồm:
- Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế ( Điều 22 Luật Đầu tư 2020).
- Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp. (Điều 24 Luật Đầu tư 2020)
- Thực hiện dự án đầu tư
- Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC (Điều 27 Luật Đầu tư 2020).
- Các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ.
Như vậy, có thể thấy các hình thức đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tương đối đa dạng. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện dự án đầu tư vào Việt Nam. Đồng thời Việt Nam cũng thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài, góp phần phát triển nền kinh tế.
III. Điều kiện cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Căn cứ theo Khoản 2 Điều 38 Luật đầu tư 2020 quy định đối với dự án đầu tư không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư quy định tại các điều 30, 31 và 32 của Luật này, nhà đầu tư được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Dự án đầu tư không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh;
- Có địa điểm thực hiện dự án đầu tư;
- Dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch quy định tại điểm a khoản 3 Điều 33 của Luật này;
- Đáp ứng điều kiện về suất đầu tư trên một diện tích đất, số lượng lao động sử dụng (nếu có);
- Đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài.”
VI. Cơ quan nào có thẩm quyền giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài
Căn cứ Điều 34 Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định về thẩm quyền cấp, điều chỉnh và thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư như sau:
“ 1. Thẩm quyền cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thực hiện theo quy định tại Điều 39 của Luật Đầu tư.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư, đặt hoặc dự kiến đặt văn phòng điều hành để thực hiện dự án đầu tư cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư sau:
a) Dự án đầu tư thực hiện tại 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên;
b) Dự án đầu tư thực hiện ở trong và ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế;
c) Dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế nơi chưa thành lập Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế hoặc không thuộc phạm vi quản lý của Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.
3. Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các dự án đầu tư sau:
a) Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu chức năng trong khu kinh tế;
b) Dự án đầu tư thực hiện trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.”
Như vậy, tùy từng dự án đầu tư mà cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cũng khác nhau, căn cứ theo Điều luật trên thì các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư như: Sở Kế hoạch và Đầu tư; Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế
Qua bài viết trên có thể thấy thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đầu tư tại Việt Nam cho cá nhân, tổ chức nước ngoài khá phức tạp và thường mất nhiều thời gian hơn so với quy định, chưa kể đến những phát sinh sau sau này. Vì thế, VNSI khuyên bạn nên thuê các đơn vị chuyên nghiệp để tối ưu thời gian, chi phí. Bạn có thể tham khảo dịch vụ xin cấp giấy chứng nhận đầu tư của LUẬT VNSI chúng tôi với chi phí hợp lý.