Hiện nay, hộ kinh doanh là mô hình kinh doanh khá được tổ chức, cá nhân ưa chuộng. Vậy hộ kinh doanh là gì? Những quy định và đặc điểm về hộ kinh doanh ra sao? VNSI LEGAL sẽ giải đáp những quy định về hộ kinh doanh dưới bài viết dưới đây.
I. Thế nào là hộ kinh doanh?
Hiện nay không có quy định, định nghĩa hộ kinh doanh là gì. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP thì hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ.
– Hộ kinh doanh bao gồm 2 loại:
+ Hộ kinh doanh do một cá nhân đăng ký thành lập;
+ Hộ kinh doanh do các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập.
Trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì ủy quyền cho một thành viên làm đại diện hộ kinh doanh.
Cơ sở pháp lý: khoản 1 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP.
– Đặc điểm của hộ kinh doanh:
+ Chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ;
+ Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh, người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh là chủ hộ kinh doanh;
+ Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký hộ kinh doanh, trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện;
+ Cá nhân, thành viên hộ gia đình chỉ được đăng ký một hộ kinh doanh trong phạm vi toàn quốc và được quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp trong doanh nghiệp với tư cách cá nhân.
+ Cá nhân, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh không được đồng thời là chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại.
Cơ sở pháp lý: Điều 79, khoản 2, 3 Điều 80 Nghị định 01/2021/NĐ-CP.
II. Những lưu ý khi đặt tên hộ kinh doanh?
Theo quy định tại Điều 88 Nghị định 01/2021/NĐ-CP thì khi đặt tên hộ kinh doanh cần phải lưu ý những điều sau đây:
– Hộ kinh doanh có tên gọi riêng, bao gồm hai thành tố theo thứ tự sau đây: Cụm từ “Hộ kinh doanh” + Tên riêng của hộ kinh doanh.
Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, có thể kèm theo chữ số, ký hiệu.
– Không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc để đặt tên riêng cho hộ kinh doanh.
– Không được sử dụng các cụm từ “công ty”, “doanh nghiệp” để đặt tên hộ kinh doanh.
– Tên riêng hộ kinh doanh không được trùng với tên riêng của hộ kinh doanh đã đăng ký trong phạm vi cấp huyện.
III. Một số quy định về thành lập hộ kinh doanh
– Quyền và nghĩa vụ thành lập hộ kinh doanh
+ Đối tượng: Cá nhân, thành viên hộ gia đình là công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền thành lập hộ kinh doanh, trừ các trường hợp sau đây:
• Người chưa thành niên, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;
• Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định;
• Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
+ Cá nhân, thành viên hộ gia đình chỉ được đăng ký một hộ kinh doanh trong phạm vi toàn quốc và được quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp trong doanh nghiệp với tư cách cá nhân.
+ Cá nhân, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh không được đồng thời là chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại.
– Hộ kinh doanh, người thành lập hộ kinh doanh tự kê khai hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, trung thực và chính xác của các thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh. Chủ hộ kinh doanh có thể ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện thủ tục đăng ký hộ kinh doanh.
– Địa điểm kinh doanh của hộ kinh doanh là nơi hộ kinh doanh thực hiện hoạt động kinh doanh. Một hộ kinh doanh có thể hoạt động kinh doanh tại nhiều địa điểm nhưng phải chọn một địa điểm để đăng ký trụ sở hộ kinh doanh và phải thông báo cho Cơ quan quản lý thuế, cơ quan quản lý thị trường nơi tiến hành hoạt động kinh doanh đối với các địa điểm kinh doanh còn lại.
– Khi đăng ký thành lập, hộ kinh doanh ghi ngành, nghề kinh doanh trên Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh. Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện ghi nhận thông tin về ngành, nghề kinh doanh trên Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.
– Hộ kinh doanh được quyền kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện kể từ khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và phải bảo đảm đáp ứng các điều kiện đó trong suốt quá trình hoạt động.
Cơ sở pháp lý: Điều 80, khoản 1, 4 Điều 84, Điều 86, khoản 1, 2 Điều 89 Nghị định 01/2021/NĐ-CP
1. Quy định về quyền và nghĩa vụ của hộ kinh doanh khi tham gia đăng ký kinh doanh.
Theo quy định tại Điều 81 Nghị định 01/2021/NĐ-CP thì khi tham gia đăng ký kinh doanh, hộ kinh doanh có quyền và nghĩa vụ sau đây:
– Thực hiện các nghĩa vụ về thuế, các nghĩa vụ tài chính và các hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh theo quy định của pháp luật.
– Đại diện cho hộ kinh doanh với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
– Có thể thuê người khác quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh. Trong trường hợp này, chủ hộ kinh doanh, các thành viên hộ gia đình tham gia đăng ký hộ kinh doanh vẫn chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác phát sinh từ hoạt động kinh doanh.
– Chủ hộ kinh doanh, các thành viên hộ gia đình tham gia đăng ký hộ kinh doanh chịu trách nhiệm đối với các hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh.
– Các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
IV. Giải đáp các thắc mắc về hộ kinh doanh
1. Một cá nhân có thể đứng tên nhiều hơn một hộ kinh doanh hay không?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 80 Nghị định 01/2021/NĐ-CP thì một cá nhân không thể đứng tên nhiều hơn một hộ kinh doanh, mà chỉ được đăng ký một hộ kinh doanh trong phạm vi toàn quốc.
2. Hộ kinh doanh có thể hoạt động kinh doanh tại nhiều địa điểm không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 86 Nghị định 01/2021/NĐ-CP thì một hộ kinh doanh có thể hoạt động kinh doanh tại nhiều địa điểm nhưng phải chọn một địa điểm để đăng ký trụ sở hộ kinh doanh và phải thông báo cho Cơ quan quản lý thuế, cơ quan quản lý thị trường nơi tiến hành hoạt động kinh doanh đối với các địa điểm kinh doanh còn lại.
Như vậy, hộ kinh doanh có thể hoạt động kinh doanh tại nhiều địa điểm nhưng phải chọn một địa điểm để đăng ký trụ sở hộ kinh doanh.
3. Trường hợp nào hộ kinh doanh phải nộp thuế khoán?
Theo khoản 1 Điều 51 Luật quản lý thuế 2019 thì Cơ quan thuế xác định số tiền thuế phải nộp theo phương pháp khoán thuế (sau đây gọi là mức thuế khoán) đối với trường hợp sau đây: Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ, trừ trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có quy mô về doanh thu, lao động đáp ứng từ mức cao nhất về tiêu chí của doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phải thực hiện chế độ kế toán và nộp thuế theo phương pháp kê khai
4. Hộ kinh doanh chuyển địa chỉ kinh doanh sang huyện khác thì có cần phải đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh hay không?
Theo quy định tại khoản 4 Điều 90 Nghị định 01/2021/NĐ-CP thì khi hộ kinh doanh chuyển địa chỉ kinh doanh sang huyện khác thuộc tỉnh khác nơi hộ kinh doanh đã đăng ký, thì hộ kinh doanh gửi hồ sơ thông báo thay đổi địa chỉ đến Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi dự định đặt trụ sở mới.
Hồ sơ thông báo thay đổi bao gồm các giấy tờ sau đây:
– Thông báo thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh do chủ hộ kinh doanh ký;
– Bản sao biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc đăng ký thay đổi địa chỉ trụ sở đối với trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;
– Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ hộ kinh doanh, thành viên hộ gia đình đăng ký.
5. Hộ kinh doanh chuyển địa điểm kinh doanh nhưng không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh thì có bị xử lý không?
Theo quy định tại điểm d khoản 1, điểm b khoản 2 Điều 63 Nghị định 122/2021/NĐ-CP thì khi hộ kinh doanh chuyển địa điểm kinh doanh nhưng không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh thì sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng và buộc thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 122/2021/NĐ-CP thì mức phạt trên đối với cá nhân.
6. Doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh sẽ nhận được những hỗ trợ gì?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017 thì khi doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh sẽ nhận được những nội dung hỗ trợ sau:
– Tư vấn, hướng dẫn miễn phí về hồ sơ, thủ tục thành lập doanh nghiệp;
– Miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp và phí cung cấp thông tin doanh nghiệp lần đầu; miễn phí thẩm định, phí, lệ phí cấp phép kinh doanh lần đầu đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu;
– Tư vấn, hướng dẫn miễn phí về các thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu;
– Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp;
– Miễn, giảm tiền sử dụng đất có thời hạn theo quy định của pháp luật về đất đai.
Trên đây là nội dung tư vấn của VNSI về những quy định pháp luật về hộ kinh doanh muốn gửi đến quý khách hàng. Mọi vướng mắc chưa rõ hoặc có nhu cầu hỗ trợ vấn đề pháp lý khác như: Doanh nghiệp; Sở hữu trí tuệ; Lao động; Tư vấn và hỗ trợ tiến hành thủ tục xin cấp các loại giấy phép con…quý khách vui lòng liên hệ với VNSI để được tư vấn và hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời.