Luật Đất đai 2024 quy định trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai (toà án hoặc UBND cấp có thẩm quyền), các bên tranh chấp phải thực hiện hòa giải tại UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp.
Luật Đất đai 2024 được Quốc hội thông qua ngày 18-1 và chính thức có hiệu lực từ 1-1-2025, trừ quy định về hoạt động lấn biển; việc lập, phê duyệt quy hoạch sử dụng đất và nội dung sửa đổi Luật Lâm nghiệp.
Phải hoà giải tranh chấp đất đai tại xã trước
Theo Điều 235 Luật Đất đai 2024, Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải, hòa giải ở cơ sở theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở, hòa giải theo quy định của pháp luật về hòa giải thương mại hoặc cơ chế hòa giải khác theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt, luật mới quy định trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định (toà án hoặc UBND cấp có thẩm quyền), các bên tranh chấp phải thực hiện hòa giải tại UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp, trừ địa bàn không thành lập đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc UBND cấp huyện.
So với Luật Đất đai 2013, đây là quy định mới.
Dù vậy, hiện tại theo theo hướng dẫn tại Điều 3 Nghị quyết 04/2017 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao, đối với tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất mà chưa được hòa giải tại UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp theo quy định tại Điều 202 Luật Đất đai 2013 thì được xác định là chưa có đủ điều kiện khởi kiện quy định tại điểm b khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
Còn đối với tranh chấp khác liên quan đến quyền sử dụng đất như: tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất,… thì thủ tục hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp không phải là điều kiện khởi kiện vụ án.
Có lẽ trong thời gian tới, TAND Tối cao sẽ có hướng dẫn mới về điều kiện khởi kiện với tranh chấp đất đai để phù hợp với quy định mới tại Luật Đất đai 2024.
Thủ tục hoà giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã
Sau khi nhận được đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai, Chủ tịch UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp có trách nhiệm thành lập Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai để thực hiện hòa giải tranh chấp đất đai.
Thành phần Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai bao gồm: Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND cấp xã là Chủ tịch Hội đồng, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã, công chức làm công tác địa chính, người sinh sống lâu năm biết rõ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đối với thửa đất tranh chấp (nếu có). Tùy từng trường hợp cụ thể, có thể mời đại diện tổ chức, cá nhân khác tham gia Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai.
Việc hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai (Thời gian này đã được rút ngắn hơn so với quy định hiện nay, Luật Đất đai 2013 quy định thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai).
Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của UBND cấp xã. Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp.
Trường hợp hòa giải không thành mà một hoặc các bên tranh chấp không ký vào biên bản thì Chủ tịch Hội đồng, các thành viên tham gia hòa giải phải ký vào biên bản, đóng dấu của UBND cấp xã và gửi cho các bên tranh chấp.
Đáng chú ý, trường hợp hòa giải thành và có thay đổi hiện trạng về ranh giới, diện tích, người sử dụng đất thì trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản công nhận kết quả hòa giải thành, các bên tham gia hòa giải phải gửi văn bản công nhận kết quả hòa giải thành đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện việc đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định.