Ngày 14/6/2025, Quốc hội chính thức thông qua Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi có hiệu lực thi hành từ ngày 01/10/2025. Dưới đây là 04 điểm nổi bật của Luật này.
Ngày 14/6/2025, Quốc hội chính thức thông qua Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi có hiệu lực thi hành từ ngày 01/10/2025.Hiện nay Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi chưa được cập nhật, cho nên quý khách hàng có thể tham khảo nội dung tại Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi (sau đây gọi tắt là Dự thảo) dưới đây:
1. Mở rộng đối tượng nộp thuế
Theo đó, tại Điều 2 Dự thảo đã bổ sung quy định về đối tượng nộp thuế, cụ thể”
“Điều 2. Người nộp thuế
…
3. Cơ sở thường trú của doanh nghiệp nước ngoài là cơ sở sản xuất, kinh doanh mà thông qua cơ sở này, doanh nghiệp nước ngoài tiến hành một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam, bao gồm:
a) Chi nhánh, văn phòng điều hành, nhà máy, công xưởng, phương tiện vận tải, mỏ dầu, mỏ khí, mỏ hoặc địa điểm khai thác tài nguyên thiên nhiên khác tại Việt Nam.
b) Địa điểm xây dựng, công trình xây dựng, lắp đặt, lắp ráp.
c) Cơ sở cung cấp dịch vụ, bao gồm cả dịch vụ tư vấn thông qua người làm công hoặc tổ chức, cá nhân khác.
d) Đại lý cho doanh nghiệp nước ngoài.
đ) Đại diện tại Việt Nam trong trường hợp là đại diện có thẩm quyền ký kết hợp đồng đứng tên doanh nghiệp nước ngoài hoặc đại diện không có thẩm quyền ký kết hợp đồng đứng tên doanh nghiệp nước ngoài nhưng thường xuyên thực hiện việc giao hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ tại Việt Nam.
e) Nền tảng thương mại điện tử, nền tảng công nghệ số mà thông qua đó doanh nghiệp nước ngoài tiến hành cung cấp hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam.”
Theo đó, Dự thảo luật đã bổ sung quy định về nghĩa vụ thuế đối với người nộp thuế là doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử và kinh doanh trên nền tảng số, khi có thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam.
2. Thay đổi đối tượng được ưu đãi thuế
Theo khoản 2 Điều 12 Dự thảo Luật thuế TNDN đã điều chỉnh danh mục ngành, nghề được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) với nhiều điểm mới đáng chú ý.
Một số lĩnh vực nổi bật được đưa vào diện hưởng ưu đãi thuế TNDN bao gồm:
- Doanh nghiệp công nghệ cao và doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo Luật Công nghệ cao; doanh nghiệp khoa học và công nghệ theo Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Đổi mới sáng tạo.
- Đầu tư kinh doanh cơ sở hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, bao gồm: Cơ sở kỹ thuật hỗ trợ, Cơ sở ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa; đầu tư kinh doanh khu làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
- Hoạt động báo chí, bao gồm quảng cáo trên báo, theo quy định của Luật Báo chí.
Dự thảo đã loại bỏ một số lĩnh vực khỏi danh mục ưu đãi thuế, cụ thể: Phát triển công nghệ sinh học; Tinh chế thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản; Dự án sản xuất có quy mô vốn từ 6.000 tỷ đồng trở lên; Dự án đầu tư tại khu công nghệ cao nhưng không thuộc lĩnh vực công nghệ cao.
Ngoài ra, dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp cũng bổ sung chi tiết về nguyên tắc, đối tượng áp dụng ưu đãi thuế TNDN và điều chỉnh quy định liên quan đến địa bàn được hưởng ưu đãi thuế như: khu công nghiệp sẽ không còn nằm trong danh mục địa bàn ưu đãi thuế; trong khi đó, khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và khu công nghệ thông tin tập trung vẫn được duy trì trong diện hưởng ưu đãi.
3. Giảm thuế suất thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ
Tại Điều 10 Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, quy định về thuế suất thuế TNDN được sửa đổi như sau:
- Thuế suất chung áp dụng cho phần lớn doanh nghiệp là 20%, ngoại trừ các trường hợp đặc biệt được quy định tại các khoản 2, 3 và 4 của điều này hoặc thuộc diện ưu đãi thuế suất tại Điều 13 của Luật.
- Thuế suất 15%: Áp dụng đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không vượt quá 3 tỷ đồng.
- Thuế suất 17%: Áp dụng cho doanh nghiệp có doanh thu năm trên 3 tỷ đồng đến tối đa 50 tỷ đồng.
Doanh thu làm căn cứ xác định doanh nghiệp thuộc đối tượng được áp dụng thuế suất 17% và 15% là tổng doanh thu của kỳ tính thuế TNDN liền kề trước đó. Với doanh nghiệp mới thành lập, Chính phủ sẽ quy định chi tiết cách xác định doanh thu phù hợp.
- Thuế suất đặc biệt theo lĩnh vực:
-
- Dầu khí: Thuế suất từ 25% đến 50%, do Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể theo từng hợp đồng căn cứ điều kiện khai thác;
- Tài nguyên quý hiếm: Mức thuế là 50%, giảm còn 40% nếu mỏ có trên 70% diện tích tại địa bàn đặc biệt khó khăn.
Theo khoản 3, 4 Điều 18 của Dự thảo, một số đối tượng không được áp dụng thuế suất ưu đãi 15% và 17%, cũng như các ưu đãi tại Điều 4, 13 và 14, 15 của Luật này bao gồm:
- Thu nhập từ chuyển nhượng vốn, bất động sản (trừ nhà ở xã hội), dự án đầu tư, quyền tham gia hoặc khai thác khoáng sản, hoạt động ở nước ngoài;
- Thu nhập từ khai thác dầu khí, tài nguyên quý hiếm và khoáng sản;
- Thu nhập từ hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, trừ một số dự án cụ thể như lắp ráp ô tô, tàu bay, du thuyền, lọc hóa dầu;
- Trường hợp đặc thù theo quy định của Chính phủ.
- Thuế suất 15% và 17% quy định tại khoản 2 và 3 Điều 10 của Luật này không áp dụng đối với doanh nghiệp là công ty con hoặc công ty có quan hệ liên kết mà doanh nghiệp trong quan hệ liên kết không phải là doanh nghiệp đáp ứng điều kiện áp dụng thuế suất quy định tại khoản 2 và 3 Điều 10 Luật này.
4. Sửa đổi quy định về miễn thuế, giảm thuế
Tại Điều 14 của Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, quy định về chính sách miễn, giảm thuế TNDN được sửa đổi toàn diện, thay thế toàn bộ nội dung Điều 14 hiện hành như sau:
- Doanh nghiệp được miễn thuế tối đa 04 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong tối đa 09 năm tiếp theo, áp dụng đối với:
- Các khoản thu nhập thuộc diện quy định tại khoản 1 Điều 13 của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.
- Các khoản thu nhập quy định tại điểm s khoản 2 Điều 12, nếu thuộc địa bàn nêu tại điểm a, b khoản 3 Điều 12. Trường hợp không thuộc địa bàn nêu trên, vẫn được miễn thuế tối đa 04 năm nhưng chỉ được giảm 50% số thuế phải nộp trong tối đa 05 năm tiếp theo.
- Miễn thuế tối đa 02 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong tối đa 04 năm tiếp theo đối với khoản thu nhập thuộc khoản 4 Điều 13 của Luật này.
- Với các dự án đầu tư mới thuộc điểm h khoản 2 Điều 12, Thủ tướng Chính phủ có thể quyết định kéo dài thời gian miễn, giảm thuế, nhưng không vượt quá 1,5 lần thời gian ưu đãi được nêu tại khoản 1 Điều này.
- Thời điểm tính miễn, giảm thuế được xác định kể từ năm đầu tiên có phát sinh thu nhập chịu thuế từ dự án. Nếu trong 03 năm đầu kể từ năm có doanh thu mà chưa phát sinh thu nhập chịu thuế, thì thời gian ưu đãi sẽ bắt đầu tính từ năm thứ 04.
- Trường hợp doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận liên quan đến công nghệ cao, khoa học công nghệ, công nghiệp hỗ trợ… sau thời điểm có thu nhập chịu thuế, thì thời gian miễn, giảm thuế được tính từ năm cấp giấy. Nếu tại năm cấp giấy chưa có thu nhập, thì tính từ năm đầu tiên phát sinh thu nhập; và nếu sau 03 năm kể từ năm cấp giấy mà vẫn chưa có thu nhập chịu thuế, thì thời điểm bắt đầu ưu đãi là năm thứ 4 kể từ năm cấp giấy.
- Ưu đãi thuế cho dự án đầu tư mở rộng:
- Trường hợp doanh nghiệp đang hoạt động thực hiện đầu tư mở rộng (gồm: mở rộng quy mô, nâng công suất, đổi mới công nghệ, giảm ô nhiễm…), nếu thuộc ngành/nghề/địa bàn ưu đãi tại Điều 12, thì phần thu nhập tăng thêm sẽ được hưởng ưu đãi như phần thu nhập của dự án hiện tại, không bắt buộc phải hạch toán riêng.
- Nếu dự án hiện tại đã hết thời gian ưu đãi, nhưng thu nhập tăng thêm từ đầu tư mở rộng đáp ứng điều kiện tại khoản 6 Điều này, thì được hưởng miễn, giảm thuế như dự án đầu tư mới cùng loại, không áp dụng ưu đãi về thuế suất. Thời gian miễn, giảm thuế tính từ thời điểm hoàn thành giải ngân vốn đầu tư đã đăng ký. Doanh nghiệp phải tách riêng thu nhập tăng thêm từ đầu tư mở rộng để áp dụng ưu đãi. Nếu không thể tách riêng, thì phần thu nhập này được xác định theo tỷ lệ giữa nguyên giá tài sản cố định đầu tư mới và tổng nguyên giá tài sản cố định hiện có.
- Chính sách ưu đãi tại phần này không áp dụng đối với trường hợp đầu tư mở rộng phát sinh do sáp nhập hoặc mua lại doanh nghiệp/dự án đang hoạt động.
- Điều kiện để dự án đầu tư mở rộng được hưởng ưu đãi tại điểm b khoản 5 Điều 14 Luật thuế TNDN phải đáp ứng một trong các tiêu chí sau:
- Nguyên giá tài sản cố định tăng thêm sau khi hoàn thành giải ngân phải đạt ngưỡng tối thiểu do Chính phủ quy định, tùy theo loại ngành/nghề hoặc địa bàn ưu đãi.
- Tỷ lệ tăng nguyên giá tài sản cố định phải đạt ít nhất 20% so với tổng nguyên giá trước khi đầu tư mở rộng.
- Công suất thiết kế tăng thêm phải đạt ít nhất 20% so với công suất thiết kế ban đầu trước đầu tư mở rộng.
Kết luận
Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) năm 2025 được thông qua với mục tiêu đơn giản hóa chính sách ưu đãi, nâng cao tính minh bạch và hiệu quả thực thi, đồng thời tạo nền tảng đồng bộ hóa hệ thống pháp luật thuế. Dù văn bản chính thức hiện chưa được công bố, các nội dung tại Dự thảo trình Quốc hội đã cho thấy những thay đổi đáng kể về thuế suất, chính sách ưu đãi, điều kiện áp dụng, cũng như quy định đối với doanh nghiệp nước ngoài và hoạt động đầu tư mở rộng.
Doanh nghiệp cần chủ động theo dõi cập nhật nội dung chính thức của Luật, đồng thời rà soát lại mô hình hoạt động, cơ cấu đầu tư và định hướng phát triển để kịp thời điều chỉnh kế hoạch tài chính – thuế phù hợp với các quy định mới có hiệu lực từ ngày 01/10/2025, áp dụng cho kỳ tính thuế năm 2025.