1. Hình sự là gì?
Hình sự là bản chất các mối quan hệ xã hội. Hình sự là thuật ngữ không còn quá xa lạ đối với mỗi người dân trong cuộc sống hiện nay, tuy nhiên chắc hắn dưới góc độ pháp lý vẫn còn rất nhiều người không hiểu rõ về hình sự, vậy hình sự là gì?
Hình sự là việc trừng trị những tội phạm xâm phạm nghiêm trọng đến an ninh quốc gia, trật tự xã hội, luật hình sự được hiểu là tập hợp có hệ thống các quy phạm pháp luật xác định rõ những hành vi nguy hiểm cho xã hội bị coi là tội phạm, đồng thời quy định hình phạt có thể áp dụng đối với chủ thể đã thực hiện các tội phạm đó.
Luật hình sự có đối tượng điều chỉnh, phương pháp điều chỉnh riêng, đồng thời tuân theo một hệ thống các nguyên tắc riêng biệt và có những nhiệm vụ riêng.
Nhắc đến hình sự là nhắc đến tội phạm, người phạm tội và những hình phạt là nội dung cơ bản trong pháp luật hình sự.
Căn cứ tại khoản 1 Điều 8 Bộ luật Hình sự 2015 quy định tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm đến trật tự xã hội mà theo quy định của Bộ luật Hình sự phải bị xử lý hình sự.
Căn cứ tại Điều 30 Bộ luật Hình sự 2015 quy định hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước được quy định trong Bộ luật này, do Tòa án quyết định áp dụng đối với người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người, pháp nhân thương mại đó.
Hình sự là gì? Vi phạm hình sự là gì? Quy trình giải quyết vụ án hình sự được tiến hành theo các giai đoạn như thế nào? (Hình từ internet)
2.Vi phạm hình sự là gì?
Dựa theo tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi vi phạm, vi phạm pháp luật được chia thành các loại sau đây:
– Vi phạm hành chính;
– Vi phạm dân sự;
– Vi phạm hình sự;
– Vi phạm kỷ luật.
Trong đó:
Vi phạm hình sự (hay còn gọi là tội phạm) là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác mà theo quy định của Bộ luật Hình sự phải bị xử lý hình sự.
Quy trình giải quyết vụ án hình sự được tiến hành theo các giai đoạn như thế nào?
Căn cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì quy trình giải quyết vụ án hình sự sẽ được tiến hành theo các giai đoạn như sau:
Giai đoạn 1: Khởi tố vụ án hình sự (Chương IX Bộ luật Tố tụng hình sự 2015)
Khi có căn cứ khởi tố vụ án hình sự tại Điều 143 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì các cơ quan sau đây sẽ có thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự:
– Cơ quan điều tra;
– Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;
– Viện kiểm sát nhân dân;
– Hội đồng xét xử.
Giai đoạn 2: Điều tra vụ án hình sự (quy định từ Chương 10 đến chương 17 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.)
Ngay sau khi có quyết định khởi tố vụ án hình sự thì giai đoạn tiếp theo trong quy trình giải quyết vụ án hình sự là điều tra vụ án hình sự.
Trong giai đoạn này các cơ quan điều tra áp dụng mọi biện pháp do luật tố tụng hình sự quy định để xác định tội phạm và người thực hiện hành vi phạm tội làm cơ sở cho việc xét xử của Tòa án.
Nhiệm vụ của giai đoạn điều tra là: xác định tội phạm và người thực hiện tội phạm; xác định thiệt hại do tội phạm gây ra; xác định nguyên nhân và điều kiện phạm tội, yêu cầu cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng biện pháp khắc phục và ngăn ngừa.
Giai đoạn 3: Truy tố vụ án hình sự ( Phần thứ ba Bộ luật Tố tụng hình sự 2015)
Truy tố vụ án hình sự là giai đoạn thứ ba trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, sau khởi tố, điều tra vụ án. Pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam hiện nay chưa quy định cụ thể thế nào là truy tố vụ án hình sự.
Tuy nhiên, căn cứ vào thực tiễn, có thể hiểu truy tố là việc đưa người phạm tội ra trước Tòa án để tiến hành xét xử. Thẩm quyền thực hiện quyền truy tố thuộc về Viện kiểm sát.
Giai đoạn 4: Xét xử vụ án hình sự (Phần 4 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015).
Giai đoạn xét xử vụ án hình sự bao gồm:
(1) Xét xử sơ thẩm vụ án hình sự;
(2) Xét xử phúc thẩm vụ án hình sự;
– Xét xử sơ thẩm: Trường hợp bản án sơ thẩm không bị khán cáo, kháng nghị trong thời hạn quy định thì sẽ có hiệu lực pháp luật và được thi hành án. Ngược lại, trường hợp bản án sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị phải tiến hành xét xử phúc thẩm.
Thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Tòa án được quy định tại Điều 268 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015
Xét xử phúc thẩm: Được thực hiện khi bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án bị kháng cáo, kháng nghị. Thẩm quyền xét xử phúc thẩm được giao cho cấp cao hơn xét xử lại bản án bị kháng cáo, kháng nghị của cấp dưới và được quy định cụ thể tại Điều 344 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
Giai đoạn 5: Thi hành bản án (Phần 5 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015).
Sau khi đã có bản án Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm có thẩm quyền ra quyết định thi hành án hoặc ủy thác cho Chánh án Tòa án khác cùng cấp ra quyết định thi hành án.
Thời hạn ra quyết định thi hành án là 07 ngày kể từ ngày bản án, quyết định sơ thẩm có hiệu lực pháp luật hoặc kể từ ngày nhận được bản án, quyết định phúc thẩm, quyết định giám đốc thẩm, quyết định tái thẩm.
Giai đoạn 6: Xét lại bản án đã có hiệu lực quy định tại Phần 6 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
Thủ tục xét lại bản án đã có hiệu lực bao gồm: Thủ tục giám đốc thẩm và thủ tục tái thẩm.
Giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án.
Tái thẩm là xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhưng bị kháng nghị vì có tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án không biết được khi ra bản án, quyết định đó