1. Tiêu chuẩn PCCC cho nhà xưởng hiện nay
1.1. Điều kiện an toàn về tiêu chuẩn PCCC chung với mọi nhà xưởng
Căn cứ khoản 1 Điều 5 Nghị định 136/2020/NĐ-CP, nhà xưởng phải đảm bảo điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy sau:
– Có nội quy, biển báo, biển cấm, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn phòng cháy chữa cháy, thoát nạn phù hợp với các quy chuẩn, tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy hoặc quy định của Bộ Công an.
– Có lực lượng phòng cháy chữa cháy cơ sở, chuyên ngành tương ứng với loại hình của cơ sở, được huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy chữa cháy và tổ chức sẵn sàng để chữa cháy đáp ứng theo yêu cầu chữa cháy tại chỗ.
– Có phương án về chữa cháy được phê duyệt bởi cấp có thẩm quyền.
– Hệ thống điện, chống tĩnh điện, chống sét, thiết bị sử dụng điện, sinh nhiệt, sinh lửa, việc sử dụng nguồn nhiệt, nguồn lửa đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy phù hợp với các quy chuẩn, tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy hoặc quy định của Bộ Công an.
– Có hệ thống giao thông, thông tin liên lạc phục vụ cho chữa cháy, hệ thống cấp nước, hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu phòng cháy chữa cháy và truyền tin báo về sự cố, hệ thống báo cháy, chữa cháy, ngăn cháy, khói, thoát nạn, các phương tiện phòng cháy và chữa cháy khác, phương tiện cứu người đảm bảo số lượng và chất lượng, phù hợp với các quy chuẩn, tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy hoặc quy định của Bộ Công an.
– Có giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế, văn bản thẩm duyệt thiết kế (nếu có) và văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu phòng cháy chữa cháy của cơ quan cảnh sát phòng cháy chữa cháy đối với nhà xưởng.
1.2. Điều kiện an toàn về tiêu chuẩn PCCC đối với nhà xưởng cao tầng, nhà khung thép mái tôn
– Có giải phóng để chống cháy lan bằng kết cấu xây dựng/hệ thống phòng cháy chữa cháy.
– Có giải pháp để tăng giới hạn chịu lửa của cấu kiện xây dựng chủ yếu theo quy định của các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy chữa cháy để hạn chế nguy cơ có thể sụp đổ khi xảy ra đám cháy.
1.3. Tiêu chuẩn PCCC khi thiết lập dự án và thiết kế xây dựng nhà xưởng
Căn cứ Điều 11 Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định về yêu cầu phòng cháy chữa cháy khi lập dự án và thiết kế xây dựng mới/cải tạo/thay đổi tính chất sử dụng của công trình thì phải đảm bảo:
– Địa điểm xây dựng đảm bảo khoảng cách an toàn về phòng cháy chữa cháy đối với công trình xung quanh.
– Bậc chịu lửa của nhà xưởng phù hợp với quy mô và tính chất hoạt động của nhà xưởng; có giải pháp để đảm bảo ngăn, chống cháy lan giữa các hạng mục của nhà xưởng và giữa nhà xưởng với các công trình khác.
– Công nghệ sản xuất, hệ thống điện, hệ thống chống sét, chống nổ, chống tĩnh điện của nhà xưởng và việc bố trí hệ thống kỹ thuật, vật tư, thiết bị đảm bảo các yêu cầu an toàn về phòng cháy chữa cháy.
– Lối và đường thoát nạn, thiết bị chiếu sáng, báo tín hiệu, chỉ dẫn thoát nạn; thông gió chống tụ khói; phương tiện cứu người đảm bảo cho việc thoát nạn được nhanh chóng và an toàn.
– Hệ thống giao thông và bãi đỗ phục vụ cho phương tiện chữa cháy cơ giới hoạt động đảm bảo kích thước và tải trọng của các phương tiện; hệ thống cấp nước đảm bảo yêu cầu để phục vụ chữa cháy.
– Hệ thống báo cháy, chữa cháy, phương tiện chữa cháy khác đảm bảo số lượng; vị trí lắp đặt, các thông số kỹ thuật đảm bảo phù hợp với đặc điểm, tính chất hoạt động của nhà xưởng.
1.4. Quy định về thiết kế và thẩm duyệt PCCC nhà xưởng
Nhiều nhà xưởng nhỏ chỉ cần đảm bảo các quy định về phòng cháy chữa cháy tiêu chuẩn mà không cần phải có thiết kế, thẩm duyệt thiết kế phòng cháy chữa cháy.
Tuy nhiên, đối với nhà xưởng có khối tích từ 3.000m3 trở lên thì đây là yêu cầu bắt buộc (căn cứ theo Phụ lục V – Danh mục dự án, công trình, phương tiện giao thông cơ giới thuộc diện thẩm duyệt thiết kế về PCCC ban hành kèm Nghị định 136/2020/NĐ-CP).
Theo khoản 4 Điều 13 Nghị định 136/2020/NĐ-CP, hồ sơ đề nghị thẩm duyệt thiết kế PCCC gồm có:
– Văn bản đề nghị xem xét và cho ý kiến, giải phóng phòng cháy chữa cháy của chủ đầu tư, nếu uỷ quyền thì phải có văn bản uỷ quyền hợp lệ.
– Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư (đối với nhà xưởng có sử dụng vốn đầu tư công).
– Văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có)/Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất/Văn bản chứng minh quyền sử dụng đất hợp pháp (đối với nhà xưởng sử dụng vốn khác).
– Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh phòng cháy chữa cháy của đơn vị thiết kế và thuyết minh thiết kế cơ sở, trong đó thể hiện các yêu cầu về giải pháp phòng cháy chữa cháy.
2. Các nguyên nhân gây cháy nổ trong nhà xưởng
Trong nhà xưởng có nhiều nguyên nhân có thể gây ra cháy nổ, như:
– Vật liệu dễ gây cháy: Nhà xưởng thường có nhiều vật liệu dễ cháy như: giấy, gỗ, vải, dầu mỡ,… khi tiếp xúc với nguồn nhiệt có thể cháy nhanh chóng và dễ lây lan.
– Nguyên liệu và sản phẩm hoá học, như: dầu, xăng, chất lỏng dễ cháy, chất oxi,…
– Hệ thống điện: Hệ thống điện trong nhà xưởng không an toàn hoặc bị quá tải, các dây điện sẽ bị hỏng/đứt có thể tạo ra tia lửa gây cháy.
– Thiết bị, máy móc như: động cơ, bơm, hệ thống nhiên liệu, máy nén,… có thể cháy nổ nếu bị hỏng hoặc có lỗi kỹ thuật.
– Hàn, cắt kim loại: Các hoạt động này tạo ra nguồn nhiệt cao và tia lửa, nếu không có các biện pháp an toàn thì rất dễ gây ra cháy nổ.
– Lỗi chủ quan của con người, như: hút thuốc, sử dụng nguồn lửa mở, bất cẩn, không tuân thủ quy tắc an toàn phòng cháy chữa cháy.
Trên đây là những thông tin về tiêu chuẩn PCCC cho nhà xưởng.