1. Bỏ hình phạt tử hình với 8 tội danh
Cụ thể, Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2025 đã bỏ hình phạt tử hình đối với các tội danh này gồm:
– Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109);
– Gián điệp (Điều 110);
– Phá hoại cơ sở vật chất – kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 114);
– Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh (Điều 194);
– Vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250);
– Tham ô tài sản (Điều 353);
– Nhận hối lộ (Điều 354);
– Phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 421).
Về điều khoản chuyển tiếp, Luật quy định hình phạt tử hình đã tuyên trước ngày 01/7/2025 đối với người phạm 8 tội danh nêu trên của Bộ luật Hình sự mà chưa thi hành án thì không thi hành và chánh án TAND tối cao quyết định chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân.
2. Phạm tội tham ô tài sản và tội nhận hối lộ được xét giảm án khi nộp ít nhất ¾ tài sản tham ô
Theo Luật sửa đổi, riêng đối với Tội tham ô tài sản và Tội nhận hối lộ, sau khi bỏ hình phạt tử hình, nhằm bảo đảm thu hồi tài sản do phạm tội mà có, đồng thời khuyến khích người phạm tội tích cực khai báo trong quá trình giải quyết vụ án, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 1 Điều 63 theo hướng:
Người bị kết án tù chung thân về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ chỉ có thể được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt khi đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và đã hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn”.
3. Bổ sung tội sử dụng trái phép chất ma túy
Một nội dung đáng chú ý khác là việc bổ sung tội sử dụng trái phép chất ma túy.
Pháp luật hiện hành đang quy định xử lý về tội tàng trữ trái phép chất ma túy và tội danh này chủ yếu là đối với người tàng trữ để sử dụng.
Như vậy, một người sau khi mua chất ma túy để sử dụng, nếu chưa kịp sử dụng mà bị phát hiện thì bị xử lý về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy, còn nếu đang hoặc đã sử dụng thì lại không bị xử lý về hành vi tương ứng.
Việc bổ sung tội sử dụng trái phép chất ma túy là cần thiết trong tình hình hiện nay. Theo đó, bổ sung tội danh “sử dụng trái phép chất ma túy” (Điều 256a) theo hướng chỉ xử lý những người đang trong quá trình cai nghiện hoặc vừa kết thúc quá trình cai nghiện ma túy mà tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy, nhằm giảm tình trạng sử dụng ma túy và tăng hiệu quả quản lý.
Theo đó, người nào sử dụng trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 03 năm:
– Đang trong thời hạn cai nghiện ma túy hoặc điều trị nghiện các chất ma túy bằng thuốc thay thế theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy;
– Đang trong thời hạn quản lý sau cai nghiện ma túy theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy;
– Đang trong thời hạn 2 năm kể từ ngày hết thời hạn quản lý sau cai nghiện ma túy và trong thời hạn quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy;
– Đang trong thời hạn 2 năm kể từ khi tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy tự nguyện hoặc điều trị nghiện các chất ma túy bằng thuốc thay thế theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy.
Người nào tái phạm về tội này thì bị phạt tù từ 3 năm đến 5 năm
4. Nâng mức hình phạt tiền đối với các tội về hàng giả, môi trường, an toàn thực phẩm, tham nhũng
Luật sửa đổi tăng mức hình phạt tù khởi điểm đối với một số tội về môi trường, an toàn thực phẩm, ma túy như:
Tội gây ô nhiễm môi trường (Điều 235)
Tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại (Điều 236)
Tội sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 248), tội tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 249),
Tội mua bán trái phép chất ma túy (Điều 251),
Tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (Điều 317)…
Việc tăng mức hình phạt nêu trên là phù hợp với yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong thời điểm hiện nay và những năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, việc nâng mức hình phạt tiền được tính toán áp dụng đối với một số tội về hàng giả, môi trường, an toàn thực phẩm, tham nhũng, bởi thực tiễn cho thấy, đây là những loại tội phạm thu lợi nhuận bất chính rất lớn từ hành vi phạm tội.
Tuy nhiên, hiện mức phạt tiền đối với tội này là tương đối thấp, chưa thực sự tương xứng với tính chất của tội phạm, chưa bảo đảm tính răn đe cần thiết, nhiều đối tượng sẵn sàng thực hiện hành vi phạm tội để thu được lợi nhuận.
Do vậy, Luật sửa đổi đã nâng gấp đôi mức hình phạt tiền, việc nâng mức phạt tiền này phù hợp với đối tượng phạm tội và dựa trên tình hình phát triển kinh tế, xã hội, có tính đến các yếu tố biến động của giá cả, thu nhập bình quân đầu người…
5. Mở rộng phạm vi chịu trách nhiệm của pháp nhân thương mại
Căn cứ theo dự thảo Luật thì Luật sửa đổi mở rộng phạm vi chịu trách nhiệm của pháp nhân thương mại đối với 9 tội:
- Tội mua bán người;
- Tội mua bán người dưới 16 tuổi;
- Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản;
- Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả;
- Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành công cụ chuyển nhượng giả hoặc các giấy tờ có giá giả khác;
- Tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán niêm yết chứng khoán;
- Tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp;
- Tội gian lận bảo hiểm y tế
- Tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại.
Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2025 còn đề xuất thêm hình phạt bổ sung: cấm nhập cảnh và giám sát điện tử. Theo đó, đối với mỗi hành vi phạm tội, bị cáo chỉ bị áp dụng một hình phạt chính và có thể bị một hoặc một số hình phạt bổ sung.
Ngoài ra, dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2025 cũng bổ sung một số điều mới và thay đổi tên gọi một số điều được Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định như:
- Điều 25 (Rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ và mô hình kinh doanh mới);
- Điều 45a (Cấm nhập cảnh);
- Điều 45b (Giám sát điện tử);
- Điều 179 (Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước);
- Điều 235 (Tội xả chất thải nguy hại gây ô nhiễm môi trường )…
Lưu ý: Bài viết tổng hợp từ những thông tin chính thức trên Cổng Điện tử Chính phủ, bản dự thảo trình Quốc hội của Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2025